Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Giá nhà đất Đà Nẵng biến ảo khó lường

Từ sau Tết Nguyên Đán, đất nền ở một số khu vực tại Đà Nẵng tăng giá mạnh. Ở phía Tây Bắc, các lô đất nền tại dự án Golden Hills được rao bán khoảng 2,3 - 2,7 tỷ đồng/lô trước Tết thì hiện nay đang được rao bán ở mức trên 3 tỷ đồng.

Trong khi đất nền vùng ven tăng giá mạnh thì nhà đất ở trung tâm thành phố ít có giao dịch. Ảnh: Forty Media.

Giá đất "nóng" bỏng tay

Bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia, nhà đất Đà Nẵng vẫn liên tục lên cơn sốt nhưng chỉ cục bộ và chóng vánh.

Tại khu vực Hòa Xuân, trước Tết Kỷ Hợi, đất nền diện tích khoảng 100 m2 có giá từ 3 - 5 tỷ đồng tùy vị trí, nhưng đến nay đã tăng thêm 600 - 800 triệu đồng mỗi lô.

Đáng chú ý, không chỉ tại các khi vực trung tâm hay các trục Tây Bắc, Nam Đà Nẵng vốn rất thu hút nhà đầu tư, một số vùng quê được cho là hẻo lánh, xa trung tâm của Đà Nẵng cũng bị đẩy giá đất cao chóng mặt.

Thời gian qua, giá đất tại các xã như Hòa Tiến, Hòa Liên, Hòa Châu của huyện Hòa Vang đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, bốn lần so với thời điểm vài tháng trước đó. Mỗi lô đất 100 m2 tại thôn Nam Sơn, Lệ Sơn của xã Hòa Tiến được "cò" hét giá từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Cách đây vài tháng, các lô đất này chỉ khoảng 150 - 200 triệu đồng. 

Giá căn hộ khách sạn tại Đà Nẵng tăng mạnh

Phân tích về cơn sốt đất tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản cho rằng, không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân khiến giá đất tăng phi mã là do tác động của chính sách vĩ mô.

Cụ thể, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị ban hành tháng 1/2019 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định thành phố trở thành đô thị hạt nhân, đầu tàu phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Trong đó, lĩnh vực mũi nhọn cần phát triển là kết cấu hạ tầng đô thị và các dự án tiềm năng đi kèm.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo bất động sản.

Trong buổi Tọa đàm mùa xuân 2019 vừa qua cũng đã có gần 400 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 13 dự án khác với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3,6 tỷ USD được phép nghiên cứu đầu tư. "Đây là xung lực mạnh khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng dậy sóng thời gian qua", ông Lập khẳng định.

Cùng với đó, sự hạn chế về nguồn cung bất động sản trên thị trường cũng là nguyên nhân khiến giá đất liên tục leo thang. Hiện nay, tại Đà Nẵng chỉ có hai vùng phía Tây và phía Nam thành phố có dự án được phép triển khai và bán hàng với nguồn cung ít ỏi. Tại khu vực Bắc Quảng Nam, giáp ranh Đà Nẵng, hàng loạt dự án bị dừng triển khai, chờ kiểm tra, gây tắc ngẽn nguồn cung, ông Lập nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cơn sốt đất tại thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện đang chịu nhiều sự chi phối bởi giới đầu cơ và nhà đầu tư. Hiện có rất ít người có nhu cầu thực, mua để ở tham gia vào thị trường này do khả năng tài chính eo hẹp.

Ông Lập khẳng định, thị trường lúc này là của giới đầu cơ, nhà đầu tư ngoại tỉnh và môi giới. Những đơn vị này tiếp tay cho các tổ lái "bơm, thổi" tạo bong bóng, để các "cá mập" xả hàng. Do đó, các khu vực “sốt, nóng” không diễn ra trên toàn thị trường mà chỉ xuất hiện cục bộ và trong khoảng thời gian nhất định do môi giới, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư tham gia vào những dự án cận lúc mở bán để tạo sóng, kích cầu.

Theo ông Lập, sau khi dự án mở bán xong, cơn sốt sẽ hạ nhiệt. Nhóm đầu tư sẽ rút khỏi sau khi chốt lời thành công khiến thị trường nhiều khả năng sẽ "tuột dốc". Người ở lại đa phần là nhà đầu tư thứ cấp "kém may mắn", chưa kịp bán sang tay kiếm lời hoặc những đối tượng mua để đầu tư lâu dài.

Nguy cơ "bong bóng" bất động sản

Khi được hỏi liệu những cơn sốt cục bộ và chóng vánh có dẫn đến nguy cơ "vỡ trận" hay không, ông Lập cho rằng sẽ phụ thuộc phần lớn vào các chính sách của chính quyền. Nếu chính quyền Trung ương và Đà Nẵng, Quảng Nam sớm xử lý dứt điểm tình trạng pháp lý của các dự án đang bị thanh tra, tạm dừng triển khai để bổ sung một số lượng lớn sản phẩm vào thị trường thì sẽ giúp hạ nhiệt các cơn sốt đất.

"Khi đó, thị trường sẽ tăng trưởng bền vững hơn. Nếu không, sẽ rất dễ tạo nên nguy cơ bong bóng, đổ vỡ cho thị trường khi giá bất động sản tăng quá xa so với sức chịu đựng của nhà đầu tư", ông Lập nhận định.

Hệ quả khi cơn sốt đất đi qua là nỗi đau dành cho khách hàng, nhiều nhà đầu tư chậm chân sẽ "mắc cạn", tiền của bị chôn vùi.

Bên cạnh đó, những người có nhu cầu thực không thể tiếp cận được với đất đai, những khu đô thị hoang vắng, không bóng người, thiếu sinh khí, nguồn lực xã hội bị hao tổn đáng kể, khả năng tiếp cận nhà ở của người dân địa phương, những người có nhu cầu thực sự ngày một khó khăn hơn và nhiều hệ quả khó lường cho xã hội, ông Lập nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản Trần Minh cũng cho rằng, giá bất động sản bị đẩy lên quá cao tại các khu vực khi chưa có chính sách, chủ trương thu hút dân cư về sinh sống, lập nghiệp, chưa có đầy đủ các cơ sở hạ tầng như y tế, giáo dục khu công nghiệp là hiện tượng tăng giá không bền vững.

Ở các khu vực này, các nhà đầu tư mua nhiều nhưng người ở thực không có. Thị trường phát triển "không thật" sẽ sớm dẫn đến nguy cơ "vỡ trận", kéo theo đó là các dự án, đất bỏ hoang, ông Minh nhận xét.

Cũng theo ông Minh, hiện nay giá nhà đất ở Việt Nam đa phần tăng theo lời đồn, theo môi giới, đầu cơ. 

"Giá bất động sản phải tăng cùng với cơ sở hạ tầng, các cấp chính quyền có cho thu hút dân về sinh sống, khi đó bất động sản mới có giá trị bền vững", ông Minh khuyến cáo.

Ông Lập cho rằng, các nhà đầu tư cần thận trọng và tỉnh táo trước các đợt "sóng lớn" của thị trường, tránh bị dẫn dắt đầu tư theo tâm lý đám đông hay truyền thông xã hội. Thị trường lúc này không dành cho những nhà đầu tư “tay ngang”, thiếu chuyên môn, kinh nghiệm.

Nếu có nhu cầu đầu tư, các khách hàng có thể quan tâm đến nhà đất, bất động sản ở khu vực trung tâm TP. Đà Nẵng, nơi đã phát triển và sinh ra dòng tiền ổn định để đảm bảo an toàn, ông Lập đề xuất.

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Tràn lan dự án bất động sản 'bất động' ở Quảng Ngãi

Hàng loạt dự án khu đô thị, dân cư Quảng Ngãi chậm đầu tư hạ tầng, không phù hợp với quy hoạch xây dựng, sử dụng đất, nguy cơ gây ngập nước, ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống người dân.


Chủ đầu tư dự án khu dân cư Tây Bàu Giang (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) chưa đền bù cho dân, chưa san nền, đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đã thông báo khách hàng đặt chỗ "xí phần" mua bất động sản là các nền đất tại đây. Theo thống kê của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đến tháng 10/2018, UBND tỉnh quyết định chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư 75 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng diện tích hơn 1.000 ha.


Cơ quan chức năng Quảng Ngãi kết luận dự án bất động sản khu dân cư Tây Bàu Giang được cho là không phù hợp với quy hoạch xây dựng lẫn sử dụng đất. Trong tổng số dự án bất động sản này được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho chủ trương, có gần 498 ha tương đương 28.103 lô đất nền, 559 ha dành cho các công trình khác và chỉ hơn 5,4 ha dành cho nhà ở xã hội.


Một góc khu dân cư Phan Đình Phùng, nơi được nhiều người ví là "đất vàng" ở TP. Quảng Ngãi nay trở thành bãi chăn trâu. Kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2017 cho thấy phần lớn các dự án chưa áp dụng hình thức đấu thầu nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Nghị định số 11 của Chính phủ.


Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị chậm kéo dài, cỏ dại mọc đầy. Phần lớn các dự án bất động sản này được Quảng Ngãi áp dụng hình thức chỉ định khi nhà đầu tư chưa có đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.


Dự án khu đô thị mới Phú Mỹ (TP Quảng Ngãi) giai đoạn 1 chậm gần 7 năm, giai đoạn 2 chậm hơn 3 năm so với tiến độ cam kết. Đối với dự án bất động sản này, theo lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi, có ba dự án gồm: Khu dân cư Sơn Tịnh, khu đô thị mới Phú Mỹ, khu liên hợp Bến xe Quảng Ngãi, Cục thuế tỉnh đề xuất UBND tỉnh cho phép tạm trừ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất là chưa đúng quy định của Bộ Tài Chính.
Minh Hoàng
Xem thêm tin nhà đất - căn hộ khác:
- Chuyện căn hộ chung cư - Bao giờ hết sốt

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Chuyện căn hộ chung cư - Bao giờ hết sốt

Dù đã có những quy định khá chặt chẽ đối với loại hình nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng người mua nhà luôn trong trạng thái thấp thỏm bởi những rủi ro rình rập như dự án chậm tiến độ, thấm chí không thể bàn giao nhà.

Dự án đứng yên, chủ đầu tư “mất tích”

Mới đây, Công an TP.HCM đã phát lệnh truy nã ông Huỳnh Văn Ánh, Giám đốc Công ty địa ốc Bình Tân, chủ đầu tư chung cư Long Phụng Residence (quận Bình Tân, TP,HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì ông này đã bỏ trốn.
Chung cư Long Phụng Residence xây dựng nhiều năm nhưng chưa thể bàn giao cho người mua
Chung cư Long Phụng Residence tư cao 17 tầng với 105 căn hộ và một hầm để xe. Dự án được bắt đầu xây dựng từ năm 2010 và cam kết bàn giao nhà vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, khi dự xây dựng được khoảng 90% thì ngừng thi công và liên tục chậm tiến độ. Nhiều người mua đã đóng tiền cho chủ đầu tư đến 90%, 95% giá trị hợp đồng.

Khách hàng cho biết, lần gần nhất là tháng 4/2014, ông Huỳnh Văn Ánh, Giám đốc công ty, đã ra văn bản xin lỗi người mua nhà và cho biết đã tìm được nhà đầu tư thứ cấp giúp đỡ hoàn thiện dự án và xin lùi thời hạn giao nhà tới 30/4/2015. Nhưng từ đó đến nay, dự án bị vẫn bỏ hoang.

Đầu tháng 8/2018, hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án này đã dọn đến ở tại công trình bất chấp dự án còn dang dở, chưa có điện nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Chị L, một khách hàng cho biết, dự án này đã đình trệ quá nhiều năm. Trong khi khách hàng phải thuê trọ, trả tiền lãi suất vay ngân hàng mua nhà mỗi tháng. Không những vậy, họ còn phát hiện chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người khác nhau. Hiện nay chủ đầu tư cũng bỏ trốn, khách hàng không biết cầu cứu ai nên phải vào ở để bảo đảm tài sản của mình.

Ngay sau khi phát hiện người dân vào ở trong công trình chưa hoàn thiện, đại diện UBND quận Bình Tân đã xuống vận động người dân không nên vào ở vì công trình hiện chưa có hệ thống điện, nước, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Ghi nhận tại dự án Chung cư Long Phụng Residence, do công trình bị bỏ hoang nhiều năm nên nhiều hạng mục đã xuống cấp. Phía ngoài cổng, có một nhóm dân quân phường túc trực để đảm bảo trật tự. Bên trong, có hai bảo vệ túc trực.

Mua căn hộ chung cư - Con dao hai lưỡi

Câu chuyện của khách hàng mua nhà tại dự án Long Phụng Residence là điển hình của những rủi ro mà người mua có thể gặp phải khi mua nhà theo hình thức hình thành trong tương lai. Trước đó, nhiều dự án cũng khiến khách hàng khốn khó như Gia Phú (Thủ Đức), 584 Lilama SHB Building (quận Tân Phú), PetroVietnam Landmark (quận 2)…

Một điểm chung dễ nhận thấy ở các dự án hình thành trong tương lai là việc chủ đầu tư vừa huy động vốn của người mua nhà vừa mang dự án thế chấp để vay tiền ngân hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết việc cho phép chủ đầu tư vừa vay vốn từ ngân hàng vừa huy động từ người dân là một lỗ hổng trong hệ thống tài chính của Việt Nam.

Ông Hiếu lấy ví dụ, ở bên Mỹ không có chuyện chủ đầu tư huy động vốn từ người dân để thực hiện dự án. Người dân Mỹ muốn mua một căn hộ có thể đóng 20%, 30% hoặc 50% giá trị của căn hộ đó. Tuy nhiên, nguồn tiền này phải bỏ trong một tài khoản phong tỏa và chủ đầu tư không được đụng đến. Cho đến khi người mua đóng đủ 100% giá trị căn hộ thì lúc đó ngân hàng và chủ đầu tư sẽ giải tỏa tài khoản này. Chủ đầu tư dùng tiền này để trả khoản vay cho ngân hàng, ngược lại ngân hàng sau khi nhận đủ tiền sẽ giải chấp dự án để chủ đầu tư có thể cấp sổ cho người mua.

Ở Việt Nam, chủ đầu tư vừa có thể thế chấp dự án để vay tiền ngân hàng vừa huy động vốn từ người mua. Nhiều trường hợp khách hàng đã đóng cho chủ đầu tư đến 90% giá trị căn hộ nhưng dự án chậm tiến độ, thậm chí ngừng thi công. Lúc này, dự án trở thành nợ xấu và ngân hàng sẽ tiến hành siết nợ dù người dân đã đóng gần đủ giá trị căn hộ.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, so với tài sản đã có sẵn (có giấy chứng nhận sở hữu), thì việc thế chấp tài sản ở dự án nhà ở hình thành trong tương lai khá rắc rối và đồng hành nhiều rủi ro cho các bên do có nhiều chủ thể cùng tham gia tín dụng, nhưng có cùng mối quan hệ liên quan tài sản là dự án.

Chính vì cùng lúc một dự án phải gánh nhiều hình thức thế chấp tài sản song song tồn tại, nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu một chủ thể bị mất khả năng tài chính hoặc bị trục trặc vì những lý do nào đó, sẽ kéo theo nguy cơ ảnh hưởng đến dự án và chủ thể khác.

Nếu có vi phạm, bên nhận thế chấp phải xử lý tài sản là dự án, nhà ở thì mối quan hệ tín dụng liên quan sẽ trở nên gay gắt và đối đầu lợi ích với nhau, trong đó sẽ có bên phải trắng tay, đặc biệt là người mua nhà. Sự phức tạp về thế chấp này là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và còn nhiều kẽ hở, nên đây luôn là lĩnh vực nhiều rủi ro.

Theo luật sư Phượng, hiện nay, trên thị trường có nhiều chủ đầu tư lách luật mở bán dự án bất động sản trước khi đủ điều kiện mở bán (có thông báo của Sở Xây dựng) bằng việc nhận đặt cọc, giữ chỗ, thông qua các văn bản thỏa thuận, xác nhận hay hợp đồng đặt cọc… để thu tiền của người mua. Tuy nhiên, đối với dự án đang thế chấp, đây là khoản thu không có sự chấp thuận của ngân hàng về việc không phải giải chấp, là khoản thu ngoài theo quy định của hợp đồng mua bán nhà ở, tức người mua thanh toán không đúng theo hợp đồng mua bán.

Vì vậy, dù trong hợp đồng mua bán nhà ở có quy định, các khoản thanh toán bằng hình thức đặt cọc, giữ chỗ được chuyển tiếp sang khoản thanh toán của hợp đồng mua bán nhà ở, nhưng đây chỉ là “thỏa thuận” xác nhận về việc “chuyển nợ” từ khoản phải thu này (giấy giữ chỗ, hợp đồng đặt cọc) sang khoản phải thu khác (hợp đồng mua bán nhà ở), nên nếu xảy ra tranh chấp hoặc khi người mua yêu cầu ngân hàng đền bù, ngân hàng có thể sẽ từ chối những khoản mà khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng mua bán.

Tiến sĩ Hiếu cho rằng, có hai giải pháp để hạn chế rủi ro cho người mua nhà hình thành trong tương lai. Thứ nhất, cấm hẳn chủ đầu tư huy động vốn của người mua nhà. Khách hàng có thể đặt cọc trước một khoản nhất định nhưng tiền này phải phong tỏa và chủ đầu tư không được sử dụng đến.

Cách thứ hai nhẹ nhàng hơn, vẫn cho chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ. Tiền người dân đóng vào phải để thực hiện dự án mà họ mua chứ không phải mục đích khác của chủ đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện được cách này cân phải có sự minh bạch đến từ chủ đầu tư, ngân hàng và cả sự quản lý giám sát của cơ quan chức năng.

Trần Phong (cafeland)
Xem thêm tin nhà đất - căn hộ khác:

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

VNREA: Lượng bán căn hộ sẽ tiếp tục tăng cao đến cuối 2017

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, sản phẩm căn hộ sẽ tăng trưởng ở cả hai xu hướng mua đầu tư và để ở, lượng bán được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao cho đến cuối năm, đặc biệt ở phân khúc giá trung bình.

Theo VNREA, lượng bán căn hộ tiếp tục đạt cao đến cuối năm 2017. (Ảnh: Linh Lê).

Dự báo thị trường bất động sản năm 2017

Báo cáo Thị trường Bất động sản (BĐS) Việt Nam quý I/2017 của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã đưa ra dự báo về thị trường trong cả năm 2017. Trong đó, phân khúc căn hộ được kỳ vọng sẽ tiếp tục có lượng bán đạt cao cho đến cuối năm và tăng trưởng cả hai xu hướng mua đầu tư và để ở. Dòng sản phẩm nhà trung bình sẽ đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Cả nguồn cung và giá bán BĐS trên thị trường tại hai thành phố lớn sẽ đều tăng. Tại Hà Nội, nguồn cung sẽ tăng khoảng 30.000 căn hộ đến hết năm và giá bán tăng từ 1,5 – 3%; còn tại TP. HCM, nguồn cung tăng từ 9.000 – 12.000 căn hộ/quý.

Phân khúc biệt thự, nhà phố vẫn tiếp tục có những diễn biến tích cực, được dự báo tăng về cả nguồn cung và giá bán. Nguyên nhân do tâm lý của người mua nhà Việt Nam phần lớn vẫn thích có một căn nhà độc lập hơn là sống trong chung cư cao tầng.

Tại Hà Nội, các dự án tiêu biểu có thể kể đến như Ciputra khu K, Dreamland Tây Hồ, Vinhomes Green Bay… Còn tại TP HCM, nguồn cung mới tập trung ở phía Đông thành phố với 4 dự án tại quận 9 và một dự án tại quận Thủ Đức.

Riêng phân khúc văn phòng cho thuê được dự báo sẽ chỉ biến động nhẹ về giá thuê trong năm 2017 do nguồn cung hiện tại vẫn đủ cho cầu cả năm.

Tại thị trường Hà Nội, trong khi văn phòng hạng A không biến động thì hạng B lại tăng cả về nguồn cung và giá bán (dự kiến tăng 130.000 m2). Thị trường TP HCM thì ngược lại, văn phòng hạng A tăng trưởng cả về nguồn cung và giá bán, còn hạng B nguồn cung không thay đổi nhưng giá bán có tăng lên. Các dự án mới được đầu tư ở quận 7 và quận 9 góp phần đưa nguồn cung dịch chuyển ra khỏi trung tâm.

Diễn biến thị trường bất động sản trong quý I/2017

Thị trường BĐS chững lại trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, sang tháng 3 thị trường mới sôi động. Những dự án có chủ đầu tư uy tín, nhiều tiện ích, hạ tầng đầy đủ hoặc tận dụng được cơ hội từ các tuyến buýt nhanh hay đường sắt trên cao… đều đạt mức thanh khoản khá cao. Các sản phẩm nhà giá rẻ, nhà trung cấp và condotel tiếp tục ổn định, trong khi căn hộ cao cấp có dấu hiệu chững lại.

Theo số liệu thống kê của các sàn giao dịch thành viên thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam, quý I/2017 ghi nhận giao dịch giảm so với quý IV/2016 và cùng kỳ năm trước. Số giao dịch thành công (nhà ở, đất nền và BĐS nghỉ dưỡng) quý này đạt 18.338 giao dịch.

Tại Hà Nội, tổng giao dịch thị trường chung cư quý I đạt 3.624 căn, tương đương 312.300 m2. Giao dịch thành công chủ yếu tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp do nguồn cung chính trên thị trường vẫn là các sản phẩm này. Còn tại TP HCM, tổng giao dịch chung cư đạt 9.808 căn, tương đương 742.700 m2 và các giao dịch cũng tập trung tại phân khúc căn hộ trung, cao cấp.

Tồn kho BĐS đang có dấu hiệu chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Tính đến hết tháng 2, tổng giá trị tồn kho còn khoảng 29.573 tỷ đồng, giảm 1.450 tỷ đồng so với tháng 12/2016 (giảm gần 5%).

Về giá cả BĐS, trong hai tháng đầu năm giá cả không có nhiều biến động, đến tháng thứ ba thì có sự thay đổi rõ ràng. Theo khảo sát, giá chung cư chỉ tăng 1,5 – 3% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước lại tăng 7 – 10%.

Đáng chú ý, phân khúc đất nền ở Đà Nẵng và TP HCM tăng giá mạnh mẽ, có nơi tăng đến 10 – 40% so với cuối năm 2016 (như ở quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức). Ngược lại, do chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè ở Hà Nội và TP HCM nên phân khúc nhà mặt phố cho thuê có sự sụt giảm về giá và có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới khi các hộ kinh doanh muốn trả mặt bằng để tìm vị trí thuận lợi hơn.

Linh Lê (Theo VNB - PL.XH)

Xem thêm:
Mua nhà hay thuê nhà có lợi hơn?
9 lý do Bình Dương làm được căn hộ 100 triệu đồng

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

9 lý do Bình Dương làm được căn hộ 100 triệu đồng

Quỹ đất sạch dồi dào, giá rẻ, hạ tầng đồng bộ, được "bật đèn xanh" làm căn hộ 20m2 và xây hàng loạt để tiết kiệm chi phí... là những điều kiện thuận lợi giúp Becamex xây dựng được căn hộ 100 triệu đồng, thuộc loại rẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Từng khảo sát và nghiên cứu mô hình căn hộ 100 triệu đồng tại Bình Dương 3 năm trước, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa - Trần Khánh Quang cho biết, loại căn hộ siêu rẻ này đã hội tụ được gần như mọi điều kiện tốt nhất để tiết kiệm, cắt giảm các chi phí. Ông Quang đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) thực hiện được căn hộ siêu rẻ này.

Quỹ đất đô thị tại Bình Dương dồi dào, giá đất lại rẻ: Cách đây 3 năm giá đất thổ cư sẵn sàng xây dựng nhà ở tại tỉnh này phổ biến ở mức 2 triệu đồng mỗi m2. Đây là điều kiện thuận lợi bậc nhất đối với một dự án nhà ở. Bởi lẽ, xét tổng giá trị suất đầu tư chung cư trong các đô thị lớn, chi phí đất chiếm 35-40%.

Bình Dương là đô thị mới, hạ tầng đồng bộ: Dự án căn hộ 100 triệu đồng Becamex xây dựng tại Bình Dương nằm trong khu công nghiệp Việt Nam Singapore đã được quy hoạch bài bản, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Sự đồng bộ này giúp cho quá trình xây dựng thuận lợi, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đặc biệt là khi đấu nối các hạ tầng kỹ thuật.


Thời điểm triển khai dự án thuận lợi: Becamex lên kế hoạch và xây dựng dự án căn hộ 100 triệu đồng rơi vào năm 2013-2014, năm 2015 khánh thành và bàn giao giai đoạn đầu tiên, sau đó xây giai đoạn tiếp theo. Năm 2013 thị trường bất động sản vẫn chưa lộ rõ dấu hiệu khởi sắc, hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều ủng hộ các doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, nhà xã hội. Vạch xuất phát của dự án căn hộ 100 triệu đồng được xem là gặp thiên thời, địa lợi.

Quy trình đầu tư xây dựng khép kín: Becamex đã xây dựng căn hộ 100 triệu đồng dựa trên hệ thống các công ty con có đủ các ngành nghề hỗ trợ từ công ty chuẩn bị quỹ đất, sản xuất vật tư đến công ty thiết kế, xây dựng, hoàn thiện dự án. Đây là điều kiện thuận lợi về mặt nhân hòa. Lợi nhuận nhà ở xã hội tại dự án này, theo quy định không quá 10% nhưng bù lại, các công ty con vẫn tự nuôi sống mình được nhờ có doanh thu và lợi nhuận từ việc sản xuất, cung ứng vật tư, xây dựng...

Sản xuất hàng loạt: Các căn hộ 100 m2 được xây dựng có cùng hệ mô đun kiến trúc (module nhà), có nghĩa là xây dựng giống nhau và sản xuất hàng loạt. Mỗi căn hộ từ lầu 1 đến lầu 4 đều có chiều rộng 5m và dài 4m. Hành lang, lối đi chung giữa 2 căn hộ là 1,4m. Riêng căn hộ tầng trệt có chiều rộng 5m và dài 9,4m. Việc xây dựng theo cùng hệ mô đun này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng do không phải xử lý quá nhiều khâu, không mất chi phí thiết kế. Nếu tính bình quân, giá thành xây dựng mỗi m2 căn hộ này vào khoảng 4 triệu đồng.

Có sự linh động về giá bán: Trong khu căn hộ 100 triệu đồng này có sự đa dạng chủng loại và giá bán. Cụ thể, các căn hộ tầng trệt có cùng diện tích nhưng giá bán gấp 4-5 lần, vào khoảng 400-500 triệu đồng một căn. Ngoài ra, trong dự án cũng có thêm loại căn hộ giá 150 triệu đồng để người mua dễ lựa chọn theo nhu cầu.

Không xây cao tầng: Các căn hộ chung cư dưới 10 tầng thường không đầu tư thang máy, tiết kiệm được khá nhiều chi phí xây dựng, lắp đặt máy móc. Dự án căn hộ 100 triệu đồng xây không quá 6 tầng, tức nằm trong nhóm các dự án tiết kiệm được chi phí này.

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của tỉnh Bình Dương về các thủ tục pháp lý trong quá trình xây dựng dự án căn hộ 100 triệu đồng. Mặt khác, dự án còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, người mua căn hộ 100 triệu đồng còn được chọn hình thức trả góp.

Bình Dương "vượt rào" chấp nhận mô hình căn hộ 20-30 m2: Đây cũng được đánh giá là tỉnh có quan điểm khá thoáng khi chấp nhận mô hình nhà chung cư siêu nhỏ này trong khi TP HCM vẫn còn nhiều băn khoăn. Căn hộ 100 triệu đồng điển hình có diện tích sàn 20 m2, gác lửng 10 m2 - tuy khá khiêm tốn nhưng được thiết kế khoa học, có cửa sổ đón ánh sáng và gió tự nhiên nên vẫn đáp ứng được nhu cầu an cư của người dân.

Vũ Lê ghi (vnexpress.net)

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Mua nhà hay thuê nhà có lợi hơn?

Người Việt Nam thường coi việc sở hữu nhà ở là một trong những mục tiêu lớn và cũng là một tiêu chí đánh giá sự thành công của mỗi người. Tuy nhiên, xu hướng này đang ngày càng giảm khi nhiều người nhận ra, đi thuê nhà đôi khi cũng là một lựa chọn khôn ngoan.

Tại sao người Việt luôn cố mua nhà bằng được?

Ông bà ta có câu “an cư lạc nghiệp”, đây là tư tưởng đã có từ bao đời nay của người Việt, theo đó, mỗi người cần phải ổn định được nơi ở thì mới có thể an tâm tạo dựng sự nghiệp.
Nhà đất không chỉ là nơi ở mà còn là một tiêu chí đánh giá sự thành công
Đây là tư tưởng bao trùm khiến phần lớn người Việt luôn miệt mài lao động, tích cóp tiền với mục tiêu lớn nhất là có “một mảnh đất cắm dùi”. Cũng chính vì mục tiêu này mà người Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn nhà đất thổ cư hơn là chọn căn hộ chung cư vì họ nghĩ rằng đất mới thuộc sở hữu của mình và có thể truyền từ đời này sang đời kia.

Một đặc điểm khác của trường bất động sản Việt Nam: nhà đất không chỉ là nơi ở mà đó còn là một khoản đầu tư với lợi tức khá tốt, đặc biệt là tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Minh chứng là mặc dù giá nhà đất có những thời điểm thăng trầm nhất định nhưng xét tổng thể trong vòng khoảng 20 năm trở lại đây, giá nhà đất luôn tăng chứ không hề giảm xuống.

Ngoài ra, nhiều người luôn tâm niệm, việc mua được một căn nhà cũng đồng nghĩa với tương lai không chỉ của mình mà của cả thế hệ sau cũng được bảo đảm.

Đối với những người có tư tưởng phải sở hữu nhà ở thì việc đi thuê nhà ở là một việc làm bất đắc dĩ vì họ không có đủ khả năng để mua nhà ở. Đi thuê nhà cũng đồng nghĩa với việc mình đi làm để cho người cho thuê nhà hưởng.

Ông Emre Sigura - một chuyên gia đã từng có kinh nghiệm làm việc tại nhiều thị trường bất động sản và hiện đang là giám đốc của chuyên trang bất động sản MuaBanNhaDat.vn chia sẻ, mặc dù đến Việt Nam chưa lâu nhưng ông dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rất lớn của người Việt so với người châu Âu về quan niệm sở hữu nhà.

Theo đó, tại những nước phát triển, người dân thường không đặt nặng vấn đề sở hữu nhà ở mà tùy vào tình hình tài chính và công việc họ sẽ quyết định thuê nhà hay mua nhà.

Câu hỏi đặt ra là khi nào thì nên mua nhà và khi nào thì nên thuê nhà?

Để trả lời câu hỏi này, theo ông Emre là cần phải nhìn vào hoàn cảnh thực tế của mỗi người mới có thể đưa ra một quyết định chính xác.

Những lợi thế khi thuê nhà thay vì mua

Theo các chuyên gia tài chính, mặc dù hiện nay hầu hết các ngân hàng đều hỗ trợ tín dụng lên tới 80% cho người vay mua nhà. Tuy nhiên, để bảo đảm chi tiêu trong sinh hoạt và khả năng thanh toán, bạn chỉ nên mua nhà nếu tiết kiệm được trên 50% giá trị căn nhà định mua. Bên cạnh đó, bạn phải tính toán để bảo đảm mức chi tiêu sau khi đã trừ khoản thanh toán định kỳ cho ngân hàng.

Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi mà giá nhà cao một cách vô lý so với thu nhập, khoảng 26 lần theo những báo cáo mới nhất. Đại bộ phận người dân phải tiết kiệm liên tục khoảng 17 năm mới có thể sở hữu nhà ở điều này cho thấy nếu cố vay mua nhà, bạn sẽ chịu một áp lực tài chính nặng nề.

Do đó, nếu tài chính của bạn không bảo đảm những điều kiện trên, việc thuê nhà sẽ giúp bạn không chịu áp lực trả nợ. Tình hình tài chính cá nhân theo đó cũng dễ thở và linh hoạt hơn.

Thuê nhà khiến đời sống cá nhân thoải mái hơn. Thật vậy, khi đi thuê nhà bạn sẽ không phải lo phải sửa chữa, trang trí vì nếu có hỏng hóc, người cho thuê sẽ có trách nhiệm sửa chữa nó. Ngoài ra, việc thuê nhà sẽ giúp bạn luôn chủ động lựa chọn khu vực sinh sống sao cho thuận tiện nhất, bạn sẽ dễ dàng thuê 1 căn nhà gần với nơi làm việc để tiết kiệm thời gian di chuyển, sức khỏe cũng bảo đảm hơn so với việc mất hàng tiếng đồng hồ để vượt qua những quãng đường đầy khói bụi và kẹt xe. Bạn sẽ có nhiều thời gian dành cho giải trí, tụ tập bạn bè.

Thuê nhà sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội trong công việc. Nghe có vẻ không liên quan nhưng thực tế là, nếu bạn sở hữu 1 căn nhà, bạn thường có tâm lý muốn một chỗ làm ổn định gần nhà và thường lo sợ về việc bị sa thải. Việc này vô tình khiến bạn đánh mất những cơ hội việc làm tốt hơn tại một khu vực xa xôi nào đó. Trong khi nếu thuê nhà, bạn hoàn toàn có thể chủ động trong việc chọn việc sau đó chọn chỗ ở cho phù hợp.

Cuối cùng, thuê nhà sẽ giúp bạn có cơ hội trở thành một nhà đầu tư. Thông thường khi thuê nhà, bạn sẽ linh hoạt để lựa chọn mức giá thuê phù hợp với bản thân và có tích trữ. Đối với những ai ưa thích đầu tư thì với dòng tiền tiết kiệm linh hoạt, bạn có thể đầu tư tùy thích nếu thấy có cơ hội.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, việc mua nhà luôn được khuyến khích nếu bạn có một nền tảng tài chính vững chắc cũng như một công việc ổn định lâu dài.